Giáo dục lao động là một bộ phận quan trọng của giáo dục phát triển toàn diện, nhằm hình thành ở trẻ những phẩm chất của người lao động: yêu lao động, quý trọng người lao động, giúp trẻ nắm được các kỹ năng lao động đơn giản phục vụ cho sinh hoạt và chuẩn bị sau này cho trẻ tham gia vào đời sống lao động. Giáo dục lao động có ý nghĩa quan trọng đối với các mặt giáo dục khác và có quan hệ mật thiết với chúng, giúp cho quá trình giáo dục nhân cách của trẻ phát triển toàn diện.
Giáo dục lao động đối với trẻ mầm non không chỉ là nhiệm vụ của các cô giáo trong trường mầm non mà đồng thời phải từ chính gia đình trẻ.
Để con hứng thú với lao động thì đầu tiên bố mẹ hãy là tấm gương chuẩn mực và là người truyền tình yêu lao động cho con trẻ. Hãy tạo cơ hội để trẻ thực hiện những công việc vừa sức đối với trẻ, cha mẹ sẽ thấy con thực hiện nhiệt tình, hứng thú như chơi trò chơi. Bên cạnh đó thì khi trẻ ở trường mầm non các cô giáo phải tạo cơ hội cho trẻ làm quen với lao động từ những việc đơn giản từ những hoạt động cá nhân hay tính lao động tập thể để trẻ có thói quen biết lao động.
Trong quá trình dạy các kĩ năng lao động, giáo viên hình thành ở trẻ nguyện vọng tự thực hiện các thao tác vừa sức trẻ, chỉ cần đến sự giúp đỡ khi thật cần thiết. Cần hình thành cho trẻ niềm tin vào sức mình, niềm vui đối với kết quả lao động, động viên mọi ý định thể hiện tính độc lập của trẻ. Lao động phải mang đến niềm vui cho trẻ. Từ đó hình thành lòng yêu lao động.
Dưới đây là 1 số hình ảnh hoạt động lao động của các bạn nhỏ lớp B3:
Tác giả: MN Phú Lương I